Ngày 19/10/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022. Việc áp dụng hóa đơn điện tử vẫn đang được Chính Phủ, Tổng Cục thuế và các cơ quan thuế địa phương khuyến khích áp dụng để NTT nhận được những lợi ích lâu dài.
Nghị định có sự thay đổi nhiều về hóa đơn, chứng từ. Việc quản lý, sử dụng chứng từ khi thực hiện các thủ tục về thuế, thu phí, lệ phí và quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ mà trước đây được điều chỉnh bởi các nghị định khác nhau. Cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về Nghị định 123 về hóa đơn điện tử qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Một số điểm mới của Nghị định 123 về hóa đơn điện tử
Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử được mở rộng
Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử được quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ gồm: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ; Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; Cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn.
Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã mở rộng thêm hai đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử: (1) Tổ chức thu thuế, phí, lệ phí; (2) Tổ chức in hóa đơn, biên lai, cung cấp phần mềm in biên lai.
Thêm 2 loại hóa đơn mới
Ngoài 3 loại hóa đơn được quy định tại Nghị định 119 hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng và các loại hóa đơn khác (tem điện tử, thẻ điện tử…), Nghị định 123 đã bổ sung thêm 2 loại hóa đơn điện tử mới đó là: (1) hóa đơn điện tử bán tài sản công và (2) hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, nghị định này còn nêu rõ các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.
Quy định rõ về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
Các hành vi bị cấm đối với 2 đối tượng là công chức thuế và tổ chức, cá nhân bán hàng hóa/dịch vụ, các cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan, cụ thể:
- Cấm công chức thuế có hành vi bao che, thông đồng để tổ chức/cá nhân sử dụng hóa đơn/chứng từ không hợp pháp, cấm gây phiền hà/khó khăn với các tổ chức/cá nhân khi đến mua hóa đơn và chứng từ.
- Cấm những hành vi gian dối trong việc sử dụng hóa đơn trái phép, cản trở công chức thuế thi hành công vụ, truy cập trái phép làm sai lệch và phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ, hối lộ hoặc có các hành vi liên quan đến hóa đơn nhằm thu lợi bất chính với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa/dịch vụ và và các cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thời điểm lập hóa đơn được quy định chi tiết
Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã quy định chi tiết về thời điểm lập hóa đơn điện tử trong một số trường hợp cụ thể như:
- Trường hợp cung cấp dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối kiểm soát số liệu giữa các doanh nghiệp
- Chi tiết các trường hợp về bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng…
- Trường hợp bán điện của các công ty sản xuất
- Trường hợp cung cấp dịch vụ vận tải hàng không và dịch vụ bảo hiểm qua các đại lý
- Trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán và du lịch…
2. Một số nội dung quy định về lĩnh vực thông tin và truyền thông trong hoá đơn điện tử
Về thời điểm lập hóa đơn
Khoản 4 Điều 9 Nghị định quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
- Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác.
Trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (trừ đối tượng quy định tại điểm h khoản này), nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này) được bán theo kỳ nhất định.
- Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.
- Đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ công nghệ thông tin (bao gồm dịch vụ trung gian thanh toán sử dụng trên nền tảng viễn thông, công nghệ thông tin) phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối.
Trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng) thông qua bán thẻ trả trước, thu cước phí hòa mạng khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ mà khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn GTGT hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì cuối mỗi ngày hoặc định kỳ trong tháng, cơ sở kinh doanh dịch vụ lập chung một hóa đơn GTGT ghi nhận tổng doanh thu phát sinh theo từng dịch vụ người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.
Về tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ
Điểm a khoản 6 Điều 10 Nghị định quy định cụ thể đối với tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông như:
“Số lượng hàng hóa, dịch vụ: Người bán ghi số lượng bằng chữ số Ả-rập căn cứ theo đơn vị tính nêu trên. Các loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù như điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm được bán theo kỳ nhất định thì trên hóa đơn phải ghi cụ thể kỳ cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đối với các dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh, được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn; bảng kê được lưu giữ cùng hóa đơn để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan có thẩm quyền.”
Về trách nhiệm của người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
Về phương thức và thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử:
- Điểm a.1 khoản 3 Điều 22 quy định phương thức chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử theo Mẫu số 01/TH-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định cùng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các trường hợp sau: “Cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực: bưu chính, viễn thông, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, vận tải hàng không, chứng khoán.”.
- Điểm a.2 khoản 3 Điều 22 quy định: “Phương thức chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn áp dụng đối với trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không thuộc quy định tại điểm a1 khoản này.”.
Về trách nhiệm chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử
Khoản 1 Điều 58 quy định cụ thể về trách nhiệm chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử như sau: Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính, viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại thực hiện hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.
3. Quy định về chuyển tiếp đối với Nghị định 123/2020/NĐ-CP hóa đơn điện tử
Nghị định 123 về hóa đơn điện tử quy định chi tiết về việc quản lý và sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Đồng thời, quy định rõ trong việc quản lý và sử dụng chứng từ khi thực hiện những thủ tục về thuế, thu phí, lệ phí; quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ, quy định về việc chuyển tiếp cũng như tiếp tục áp dụng quy định như sau:
- Thứ nhất, Nghị định khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01/7/2022.
- Thứ hai, Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/6/2022.
- Thứ ba, bãi bỏ khoản 2 và 4 Nghị định 119/2018/NĐ-CP về việc triển khai áp dụng HĐĐT từ ngày 01/11/2020, nhưng để doanh nghiệp hưởng lợi sớm từ HĐĐT và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số Chính phủ, Tổng cục thuế và các cơ quan thuế cả nước luôn khuyến khích doanh nghiệp sử HĐĐT trước 01/11/2020.
- Thứ tư, bãi bỏ khoản 2 Điều 5 Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Đồng thời sửa đổi và bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
- Thứ năm, được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, tự in, HĐĐT có mã/không có mã xác thực hoặc hóa đơn mua của cơ quan thuế đã thông báo phát hành trước ngày 19/10/2020 (tiếp tục sử dụng kể từ ngày 19/10/2020 ngày ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP đến hết ngày 30/6/2022).
- Thứ sáu, tiếp tục thực hiện Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công khi xử lý tài sản công (hóa đơn bằng giấy do Bộ Tài chính đặt in).
- Thứ bảy, tiếp tục thực hiện việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia khi bán hàng dự trữ quốc gia (hóa đơn bằng giấy) theo quy định tại Thông tư 16/2012/TT-BTC ngày 08/02/2012. Nếu có thông báo chuyển đổi sang áp dụng HĐĐT bán hàng dự trữ quốc gia thì các đơn vị thực hiện chuyển đổi theo quy định.
- Thứ tám, Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày Nghị định được ban hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022:
Trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì thực hiện như các cơ sở kinh doanh nêu tại khoản 1 Điều này.
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp doanh nghiệp và kế toán nắm bắt nhanh về Nghị định 123/2020/NĐ-CP hóa đơn điện tử vừa được ban hành.
Xem thêm một số bài viết liên quan: