Vinamilk là tên một thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam và là một trong những thương hiệu vô cùng quen thuộc với người Việt. Hiện nay, nhãn hiệu này không chỉ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam mà còn mở rộng thị trường đến hơn 20 quốc gia khác trên thế giới. Một trong những yếu tố làm nên thành công của Vinamilk và cũng là điều được nhiều người quan tâm nhất là văn hóa doanh nghiệp. Cùng MECI tìm hiểu những điều đặc biệt có trong văn hóa của doanh nghiệp Vinamilk qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Khái quát văn hóa doanh nghiệp của Vinamilk
Văn hóa doanh nghiệp tựa như linh hồn của doanh nghiệp. Văn hóa được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với doanh nghiệp, là trụ cột vững chắc cho mỗi nhân viên, góp phần quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Văn hóa còn là biểu tượng có 1 không 2 của doanh nghiệp, mỗi công ty khác nhau sẽ có văn hóa khác nhau nên khái niệm về văn hóa doanh nghiệp khá trừu tượng và cũng khó xác định cụ thể.
Tuy nhiên, về tổng thể văn hoá doanh nghiệp sẽ bao gồm các yếu tố sau:
Giá trị cốt lõi (Core Value)
Giá trị cốt lõi là nền tảng đầu tiên và quan trọng của doanh nghiệp. Yếu tố này sẽ không bị thay đổi dễ dàng dù doanh nghiệp thay đổi cơ cấu kinh doanh, sản xuất. Giá trị cốt lõi định hướng chiến lược cho công ty, vạch ra chuẩn mực cho toàn bộ nhân viên.
Giá trị cốt lõi của Vinamilk được tạo nên từ 5 yếu tố: Chính trực, Tôn trọng, Công bằng, Đạo đức, Tuân thủ.
Trong hơn 45 năm qua, Vinamilk đã và đang thực hiện nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu qua việc phát triển sản phẩm, tạo dựng niềm tin thương hiệu. Sản phẩm của Vinamilk luôn được cải tiến, đổi mới để phù hợp với thị trường theo từng giai đoạn. Doanh nghiệp còn chú trọng nâng cao uy tín qua những hoạt động như tham quan nhà máy, trang trại. Ngoài ra, còn có các chiến dịch, các quỹ vì cộng đồng như Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, chiến dịch “Bạn khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh” trong thời gian dịch Covid-19.
Tầm nhìn (Vision) – Sứ mệnh (Mission)
Trở thành biểu tượng mang tầm vóc thế giới trong lĩnh vực thực phẩm và thức uống, nơi mà tất cả mọi người đặt trọn niềm tin vào sản phẩm an toàn và dinh dưỡng.
Tầm nhìn hướng đến tương lai, là mục tiêu dài hạn, những điều mà công ty muốn đạt được trong tương lai. Tầm nhìn tạo động lực để doanh nghiệp tiến xa hơn. Tầm nhìn của Vinamilk thể hiện tinh thần luôn vươn lên để phát triển, duy trì vị thế của mình và trở thành “biểu tượng niềm tin” hàng đầu Việt Nam.
Sứ mệnh (Mission)
Sứ mệnh hướng đến hiện tại, là mục đích hiện tại, trách nhiệm và nhiệm vụ cần thực hiện để doanh nghiệp phát triển. Sứ mệnh của Vinamilk là lời cam kết đối với người tiêu dùng Việt. Sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm với xã hội là động lực để Vinamilk thực hiện lời cam kết của mình. Đó là mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng và chất lượng cao cấp hàng đầu.
Chiến lược kinh doanh (Business Strategy)
Chiến lược kinh doanh hay còn được gọi là kế hoạch kinh doanh bao gồm các phương pháp, cách thức kinh doanh của doanh nghiệp trong một giai đoạn.
Chủ động tìm kiếm thị trường mới cả trong và ngoài nước
Vinamilk định vị thương hiệu trở thành biểu tượng niềm tin, niềm tự hào hàng đầu của người Việt Nam. Vinamilk khai thác thị trường mới ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Công ty mở rộng thâm nhập và bao phủ khu vực nông thôn với các dòng sản phẩm phổ thông, đẩy mạnh tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp với nhiều giá trị gia tăng ở khu vực thành thị.
Không chỉ phát triển tốt ở thị trường trong nước, Vinamilk còn nhận thấy tiềm năng vô hạn của các thị trường nước ngoài. Không tiến công ồ ạt vào thị trường quá lớn mạnh, thay vào đó, Vinamilk bắt đầu từng bước thâm nhập vào những nơi xa, đông dân nhưng chưa có sự bão hòa về nhu cầu sữa. Những bước đi này đã được tiến hành từ những ngày đầu doanh nghiệp tái cơ cấu cách thức vận hành và sản xuất.
Vùng đất đầu tiên mà Vinamilk đặt chân đến là khu vực Trung Đông với gần 400 triệu dân. Sản phẩm sữa bột Dielac và bột dinh dưỡng Ridielac của Vinamilk đã trở nên quen thuộc với người Trung Đông trong gần 20 năm qua. Ngoài ra, trong hơn 10 năm qua, Vinamilk còn đều đặn tham gia Hội chợ thương mại Gulfood về mặt hàng hàng nông sản, thực phẩm thế giới. Vinamilk là doanh nghiệp duy nhất của ngành sữa góp mặt trong Khu gian hàng Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Vinamilk đã đưa sản phẩm, thương hiệu của mình đến với hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới.
Đi đầu trong đổi mới sáng tạo
Muốn có sản phẩm đi đầu trên thị trường thì phải luôn sáng tạo. Sáng tạo là yếu tố sống còn.
Câu nói trên của bà Mai Kiều Liên là phương châm định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp của Vinamilk. Không ngừng nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới về sữa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh, không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp khác cùng ngành. Đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng, đồng thời mang đến thêm nhiều trải nghiệm tiện lợi và phong phú cho người tiêu dùng.
Yếu tố khác
Ngoài những yếu tố trên, văn hoá doanh nghiệp còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như: thương hiệu, phong cách giao tiếp, thông tin nội bộ, cách điều hành của cấp quản lý, quy tắc… của mọi thành viên trong công ty.
Thương hiệu
Ngay từ ban đầu, Vinamilk đã xây dựng tốt văn hóa của một doanh nghiệp mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên thương hiệu của doanh nghiệp và trở thành cái tên quen thuộc với người Việt. Vinamilk là một cái tên rất dễ nhớ: Vina là tên viết tắt của nước Việt Nam, Milk là sữa. Vinamilk là sữa dành cho người Việt.
Bên cạnh tên thương hiệu, logo của Vinamilk với các màu sắc đơn giản nhưng lại gây ấn tượng sâu sắc. Logo có 3 màu chủ đạo là xanh dương, xanh lá và trắng. Màu xanh dương là biểu tượng của sự sống, niềm tin và sự tinh tuý. Màu xanh lá đại diện cho cánh đồng cỏ xanh ngát, tươi mới. Màu trắng trong logo là màu của sữa tươi và sự thuần khiết. Logo này là sự cam kết của nhãn hàng, đảm bảo sẽ luôn đưa đến tận tay người tiêu dùng những sản phẩm có nguồn dinh dưỡng tốt và chất lượng nhất.
Quy mô, quy tắc
Vinamilk là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, quy mô nhân sự lên đến hàng nghìn người. Vì vậy, mô hình tổ chức nhân sự của Vinamilk được hệ thống rất chuyên nghiệp và khoa học. Từ phân bổ phòng ban đến phân cấp trách nhiệm của mỗi thành viên, phòng ban đều cụ thể, rõ ràng. Nhờ đó giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển vững mạnh.
Bất kỳ tổ chức, công ty nào cũng có quy tắc ứng xử riêng, Vinamilk cũng không ngoại lệ. Bộ quy tắc ứng xử của Vinamilk là cam kết đề cao Chính trực, thúc đẩy Tôn trọng, đảm bảo Công bằng, duy trì Tuân thủ và coi trọng Đạo đức, là kim chỉ nam cho tất cả hoạt động hàng ngày tại Vinamilk, nhằm vươn đến sự phát triển vững mạnh trong tương lai.
6 nguyên tắc vàng trong văn hóa doanh nghiệp của Vinamilk cho đến tận bây giờ bao gồm:
- Trách nhiệm: Khi sự việc xảy ra, nguyên nhân đầu tiên là do tôi
- Hướng kết quả: Hãy nói chuyện với nhau bằng lượng hoá
- Sáng tạo và chủ động: Đừng bao nói không, luôn tìm kiếm 2 giải pháp
- Hợp tác: Người lớn không cần người lớn hơn giám sát
- Chính trực: Lời nói của tôi chính là tôi
- Xuất sắc: Tôi là chuyên gia theo tiêu chuẩn Quốc tế trong lĩnh vực của tôi
Cấp độ văn hóa doanh nghiệp của Vinamilk
Vinamilk phân chia rõ cấp độ và chính sách, giá trị theo từng cấp của văn hóa doanh nghiệp, gồm 3 cấp độ sau:
- Đối với nhà lãnh đạo
Người lãnh đạo cần xác định được mục tiêu rõ ràng, nỗ lực đem lại lợi ích và bảo vệ hiệu quả các nguồn tài nguyên vốn có của công ty. Phía nhà lãnh đạo cũng cần động viên, hỗ trợ nhân viên công ty đúng lúc; tạo môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện để các phòng ban, nhân viên gắn kết với nhau.
Năng lực quan sát và khả năng đào tạo nhân tài cũng là yếu tố cần thiết của nhà lãnh đạo tại Vinamilk. Hàng năm, công ty thường tổ chức các chương trình dành cho thực tập sinh để đào tạo thêm những nhân viên giỏi trong nhiều lĩnh vực. Chương trình học bổng du học cho sinh viên xuất sắc cũng đã được triển khai từ năm 2002 đến nay.
- Đối với nhân viên
Vinamilk là được nhiều bạn trẻ lựa chọn là doanh nghiệp lý tưởng để làm việc. Vậy lý do là gì? Vinamilk luôn đảm bảo: Tôn trọng, công bằng, minh bạch với nhân viên; tạo điều kiện để nhân viên có cơ hội phát triển; xây dựng, duy trì văn hóa làm việc thân thiện với nhân viên.
Ngoài ra, các chính sách phúc lợi của công ty cũng là điều thu hút nhiều nhân tài đầu quân và ở lại làm việc. Ví dụ: Bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên và người thân; Xem trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tốt nhằm đáp ứng và hỗ trợ nhân viên làm việc, thư giãn như: phòng yoga, phòng gym, hồ bơi, không gian thoải mái để sáng tạo…;Luôn dẫn đầu trong hạng mục “Lương, thưởng, phúc lợi” của doanh nghiệp Việt.
- Đối với khách hàng
Vinamilk cam kết cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt, đa dạng cho mọi đối tượng. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất, giá cả cạnh tranh và rõ ràng trong mọi giao dịch. Tôn trọng và giao dịch bình đẳng với đối tác, các nhà cung cấp. Luôn trân trọng các mối quan hệ hợp tác lâu dài trên cơ sở trung thực, minh bạch và hài hòa lợi ích.
2. Câu chuyện thương hiệu tạo nên văn hóa doanh nghiệp của Vinamilk
Vinamilk thành lập năm 1976 dựa trên cơ sở tiếp quản 3 nhà máy sữa do chế độ cũ để lại gồm: Nhà máy sữa Thống Nhất, Nhà máy sữa Trường Thọ, Nhà máy sữa bột Dielac.
Từ 1987 – 1996 là giai đoạn nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em cùng với nhu cầu về sữa bột ngày càng tăng cao. Vào thời gian đó, Vinamilk đã sản xuất nhiều sản phẩm sữa bột và bột dinh dưỡng có chất lượng cao dành cho trẻ em. Tuy nhiên, ngành sữa Việt lúc này cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn nguyên liệu sản xuất bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập từ nước ngoài. Đứng trước khó khăn như vậy, Vinamilk đã đột phá và tìm ra hướng đi riêng cho doanh nghiệp. Đó là xây dựng đề án “Cuộc cách mạng trắng” để nắm quyền tự chủ 100% nguyên liệu sản xuất.
Vinamilk đã xây dựng mô hình liên kết với nông dân Việt mở rộng chăn nuôi, hỗ trợ họ về con giống, cách thức chăn nuôi, lấy sữa, bảo quản… cũng như thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn so với nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài. Không chỉ vậy, Vinamilk còn mở thêm các trang trại chăn nuôi bò sữa, tổng số bò sữa năm 1991 là 3000 con. Nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm này, Vinamilk đã nắm hơn 50% quyền chủ động cung cấp nguyên liệu sữa cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân Việt, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế.
Không dừng lại ở đó, Vinamilk tiếp tục có những bước đột phá mới. Khoảng thời gian từ 1996 – 2005, doanh nghiệp bắt đầu mở rộng sang thị trường nước ngoài. Đây là một chiến lược liều lĩnh bởi khi ấy có rất ít doanh nghiệp Việt Nam thực sự nghĩ đến việc khai thác các thị trường bên ngoài. Một phần là do nguồn lực chưa đủ mạnh, một phần là họ còn sợ thất bại. Đề án “Cuộc cách mạng trắng” trước đó của Vinamilk đã tạo nền móng vững chắc giúp doanh nghiệp có đủ bản lĩnh, tự tin vươn tầm thế giới.
Năm 1997, sản phẩm xuất khẩu đầu tiên của Vinamilk là sữa bột Dielac tại Trung Đông. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, Dielac đã trở thành cái tên phổ biến với người dân nơi đây và họ còn dùng cái tên này để gọi chung các sản phẩm sữa bột, bột dinh dưỡng cho trẻ em.
Năm 2012 – 2013, xây dựng và khánh thành siêu nhà máy sữa tự động hóa 100% tại Bình Dương, đạt chuẩn một trong những nhà máy sữa hiện đại hàng đầu thế giới. Cho đến năm 2015, thương hiệu Vinamilk chính thức được ra mắt tại Myanmar, Thái Lan và mở rộng hoạt động ở các nước khác thuộc khu vực ASEAN.
Vinamilk ngày càng khẳng định được vị thế sữa Việt trên bản đồ ngành sữa thế giới khi được xếp vào danh sách Global 2000 – danh sách thống kê 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới. Vinamailk là công ty duy nhất thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam lọt vào danh sách. Không dừng lại ở đó, công ty tiếp tục lọt “Top 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ đô tốt nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương” do tạo chí Forbes Châu Á công bố. Vinamilk tiếp tục là doanh nghiệp duy nhất của ngành thực phẩm Việt Nam có tên trong danh sách.
Sau hơn 45 năm thành lập, Vinamilk đang và sẽ là công ty dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam. Vinamilk cũng đã xác lập được vị thế vững chắc của mình trên thị trường sữa thế giới và trở thành 1 trong 40 công ty sữa có doanh thu cao nhất thế giới.
3. Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp Vinamilk
Văn hóa doanh nghiệp là sự tồn tại vô cùng quan trọng, có vai trò vô cùng to lớn tới tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc xây dựng doanh nghiệp cần bắt đầu từ những điều quá lớn lao. Văn hóa bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất và dần dần hình thành nên cả một hệ thống lớn mạnh. Để làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện tốt cả những điều nhỏ nhất ngay từ khi bắt đầu. Vinamilk đã thực hiện rất tốt điều này, biến tư tưởng thành hành động cụ thể.
Hướng tới nhận thức của nhân viên
Vinamilk luôn quan tâm đến thành viên của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để nhân viên làm việc. Hướng đến một môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau dựa trên giá trị cốt lõi, quy tắc công bằng, công khai.
Tinh thần làm việc tại Vinamilk cũng là một trong những điều đáng để các doanh nghiệp khác học hỏi. Mục tiêu của tổ chức hòa hợp với mục tiêu cá nhân. Các phòng ban, thành viên công ty phối hợp làm việc trên tinh thần “chặt chẽ nhưng không quá cứng nhắc”, “linh hoạt nhưng không được tùy tiện”, “hợp tác nhưng không thỏa hiệp”.
Ban lãnh đạo và quản lý còn là người truyền lửa, tạo động lực và lắng nghe nhân viên. Truyền động lực từ những phương châm, định hướng đúng đắn đến các chế độ phúc lợi, khen thưởng và tuyên dương các cá nhân xuất sắc. Nhân viên có quyền đóng góp ý kiến của mình qua hộp thư góp ý, email, cuộc họp… để cùng chia sẻ và giải quyết.
Đặc biệt, Vinamilk cũng rất quan tâm đến đời sống của nhân viên. Công ty sẽ có chính sách riêng để thăm hỏi, chăm lo cho gia đình của nhân viên cũng như động viên, hỗ trợ viện phí cho các thành viên bị bệnh. Những điều này mang lại sự an tâm cho người lao động khi làm việc, xem Vinamilk như một gia đình để gắn kết lâu dài.
Chung tay phát triển cộng đồng bền vững
Hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Vinamilk không chỉ mang đến sản phẩm chất lượng mà còn quan tâm đến các hoạt động hướng về xã hội.
Vinamilk đã chung tay vì hỗ trợ khu vực chịu ảnh hưởng của bão lũ tại miền Trung. Doanh nghiệp cùng với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trao 110.000 hộp sữa đến các trẻ em tại nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác của Vinamilk như Sữa học đường, Tư vấn chăm sóc sức khoẻ kết hợp với lễ mừng thọ cho người cao tuổi, Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam… cũng đã được triển khai.
Ngoài ra, hình ảnh của doanh nghiệp còn xuất hiện trong các MV như “Vươn Cao Việt Nam”, MV cổ vũ bóng đá “Việt Nam ta có”, MV Tết “Thank you Vinamilk”… Mỗi một MV đều được đầu tư kỹ lưỡng từ chất lượng hình ảnh đến nội dung, truyền tải các những điều tốt đẹp của đất nước, khơi dậy tình cảm yêu nước và lòng tự hào dân tộc Việt Nam.
Xây dựng văn hóa từ các đại lý
Văn hóa doanh nghiệp của Vinamilk còn được phổ biến tại các đại lý bán hàng bởi đại lý cũng là một phần tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp, là đại diện tiếp cận gần nhất với khách hàng, lắng nghe trực tiếp những ý kiến của người tiêu dùng.
Hiện tại Vinamilk có đến hơn 250.000 điểm bán lẻ, hơn 2.200 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi cùng với 202 nhà phân phối. Công ty vẫn luôn chú trọng đến việc liên hệ, trao đổi với người quản lý tại nơi bán lẻ, phân phối; luôn tạo điều kiện cho các nhà phân phối, sẵn sàng hỗ trợ những khó khăn về cơ sở hạ tầng, về hoạt động kinh doanh.. Bởi vì luôn quan tâm đến các đại lý, cửa hàng nên đội ngũ nhân viên có thể kịp thời nắm bắt và khắc phục các thiếu sót cũng như hiểu rõ hơn về sự thay đổi mỗi ngày của thị trường tiêu dùng.
Để đảm bảo quyền lợi của các đại lý phân phối, Vinamilk còn tiến hành thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của họ về chất lượng phục vụ của nhân viên Vinamilk. Từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục và cải thiện chất lượng phục vụ của công ty. Doanh nghiệp luôn đặt mục tiêu phát triển vững mạnh, đôi bên cùng có lợi trong mối quan hệ hợp tác này.
Nhờ xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững chắc, tin rằng trong tương lai Vinamilk sẽ còn phát triển lớn mạnh hơn nữa, là niềm tự hào cho ngành sữa Việt Nam. Vì vậy, các giá trị văn hóa doanh nghiệp của Vinamilk vẫn luôn là những điều đáng giá để các doanh nghiệp khác nghiên cứu và học hỏi thêm.